Home » » 10 dịch bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại (phần 2)

10 dịch bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại (phần 2)

Written By zeroinlove on Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012 | 04:24

5. Tả
Người dân Ấn Độ đã chung sống với căn bệnh này từ thời cổ đại, nhưng mãi đến thế kỷ 19, phần còn lại của nhân loại mới có dịp nếm trải cơn ác mộng này. Trong suốt thời kỳ này, bước chân của những thương lái Ấn Độ trên khắp toàn cầu đã vô hình giúp những con vi khuẩn chết người lan tràn trên khắp những thành phố lớn của Ấn Độ, Nhật Bản, Bắc Phi, Trung Đông và toàn bộ Châu Âu. Sáu đại dịch xảy ra vào thời kỳ này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Bệnh tả được gây ra bởi một loài vi khuẩn mang tên Vibrio Cholerae. Các dấu hiệu nhiễm trùng là rất nhẹ, nhưng điều nguy hiểm chính là việc nôn và tiêu chảy diễn ra quá mạnh và quá dài. Điều này sẽ làm cơ thể bị mất nước một cách trầm trọng, kéo theo sau đó là tình trạng shock và tử vong.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể dễ dàng đánh bại được vi khuẩn Tả, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi cơ thể bạn vẫn còn có thể giữ đủ nước. Vi khuẩn tả cũng có thể lây qua đường tiếp xúc, nhưng con đường lây lan chủ yếu của nó vẫn là đường tiêu hóa, thông qua nguồn thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm.
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, bệnh tả có vẻ như đã dần trôi vào dĩ vãng. Điều kiện vệ sinh môi trường được cải thiện, cũng như những tiến bộ vượt bậc của y tế đã khiến con người tự tin rằng mình đã xóa sổ được căn bệnh này. Nhưng đến năm 1961, một chủng vi khuẩn tả mới xuất hiện tại Indonesia đã tạo thành một trận dịch nhanh chóng lan ra toàn thế giới – và dịch tả vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày này. Năm 1991, gần 300.000 ca bệnh đã được xác định, và 4000 trường hợp tử vong được ghi nhận lại trong năm đó.
4. AIDS
Sự xuất hiện của AIDS trong những năm 1980 đã dẫn đến một đại dịch toàn cầu, với số lượng tử vong ước tính vào khoảng 25 triệu người (cho đến nay). Theo nhiều số liệu thống kê gần đây, đã có 33,2 triệu người nhiễm HIV, và 2.1 triệu trong số này đã tử vong (số liệu năm 2007).
AIDS – viết tắt của Acquired immune deficiency syndrome (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), được gây ra bởi virus HIV – Human Immunodeficiency Virus ( Virus gây suy giảm miễn dịch ở người). Virus lây lan thông qua 3 con đường chủ yếu: quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Một khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ làm suy yếu sức đề kháng của vật chủ, và do hệ miễn dịch đã bị đánh sập, người mắc AIDS sẽ chết vì những bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Các nhà khoa học tin rằng HIV xuất hiện đầu tiên ở khỉ và tinh tinh, và sự lây lan của virus từ khỉ sang người bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 20. Trong những năm 1970, sự gia tăng dân số đáng kể ở châu Phi, đi kèm với đó là nghèo đói, chiến tranh, thất nghiệp lan tràn trên khắp vùng đất này – đó là điều kiện vô cùng lý tưởng để đại dịch AIDS bùng phát. Ma túy, mại dâm cũng như việc tái sử dụng kim tiêm một cách vô tội vạ, chính con người đã tự mình dọn đường để căn bệnh này lây lan với tốc độ chóng mặt. Từ châu Phi, chỉ trong thời gian vài năm ngắn ngủi, AIDS đã trở thành cơn ác mộng với toàn nhân loại.
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương thuốc nào có thể tiêu diệt hoàn toàn HIV. Tuy nhiên, sự tiến bộ của Y học cũng đã mang lại cho những người bất hạnh nhiễm HIV một niềm hi vọng mới. Bằng cách sử dụng ARV – một loại thuốc giúp ngăn chặn quá trình tiến triển của HIV thành AIDS, cộng với việc có một chế độ sinh hoạt điều độ, những người mắc HIV hoàn toàn có thể có được cuộc sống như người bình thường.
3. Bệnh sốt vàng da
Khi những người nô lệ châu Phi được đẩy đến châu Mỹ, họ vô tình đã trở thành con đường trung chuyển của rất nhiều loại dịch bệnh – một trong số đó là bệnh sốt vàng da. Những ghi nhận về căn bệnh này đã xuất hiện từ rất lâu, và chi tiết đáng chú ý nhất có lẽ là việc căn bệnh này đã đánh gục đội quân bất khả chiến bại của Napoleon như thế nào.
Khi Napoleon gửi đi một binh đoàn với quân số ước tính khoảng 33.000 người đến vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ, chính dịch sốt vàng da đã giết chết 29.000 người trong số này. Quá kinh hoàng trước con số này, Napoleon đã quyết định bán lại mảnh đất này cho Hoa Kỳ. Sự kiện này đã đi vào lịch sử với cái tên Louisiana Purchase.
Cũng như sốt rét, sốt vàng da lây lan thông qua vật chủ trung gian là muỗi. Các triệu chứng điển hình là sốt, gai rét, nhức đầu, đau cơ và nôn mửa. Mức độ bệnh có thể dao động từ một vài cơn sốt nhẹ, cho đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc, xuất huyết nội tạng, suy đa phủ tạng và cuối cùng là tử vong. Suy gan nên vàng da là triệu chứng rất hay gặp, do đó bệnh được đặt tên là sốt vàng da.
Mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã được phổ biến rộng rãi, thêm vào đó là dịch vụ chăm sóc Y tế có nhiều tiến bộ đáng kể, đồng thời việc quản lý diệt trừ muỗi được thực hiện khá triệt để, nhưng cho đến nay, bệnh vẫn tồn tại ở Nam Mỹ và châu Phi.
2. Sốt Rickettsia
Những khu ổ chuột, những khu doanh trại với những đám đông sống chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp với điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ, nếu bạn không may mắn phải nếm trải cảnh tượng này, rất có thể ngay trên tay bạn giờ đây là cả một ổ vi khuẩn nhung nhúc. Vi khuẩn và ký sinh trùng, đó là những gì bạn sẽ phải đối mặt, và một trong số đó, loài vi khuẩn mang tên Rickettsia prowazekii đã tạo nên một trận đại dịch kinh hoàng hơn bất cứ căn bệnh truyền nhiễm nào từng được biết đến: Sốt Rickettsia.
Căn bệnh nay đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, với số lượng các trận dịch đã lên tới 4 chữ số. Sự xuất hiện rất phổ biến của nó trong các doanh trại quân đội đã khiến nó có một số cái tên khác như “Sốt doanh trại”, hay “Sốt chiến tranh”. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Châu Âu (1618-1648), căn bệnh này cùng với nạn đói và bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10 triệu người. Và trong nhiều trường hợp, sự bùng phát của dịch bệnh thậm chí còn quyết định cục diện của cả một cuộc chiến.
Khi quân đội Tây Ban Nha tấn công thành trì Moorish của Granada vào năm 1480, một trận dịch sốt Rickettsia nổ ra đã nhanh chóng làm quân số của họ giảm từ 25.000 xuống còn 8000 người trong vòng chưa đầy 1 tháng. Căn cứ theo mức độ thiệt hại này, người Tây Ban Nha có thể đã phải mất thêm nhiều thế kỷ nữa mới có thể đánh đuổi được người Moors ra khỏi lãnh thổ của mình. Gần đây nhất, khi Thế Chiến I nổ ra, dịch Rickettsia cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp lãnh thổ của Nga, Ba Lan và Rumani.
Các triệu chứng của bệnh thường bao gồm nhức đầu, chán ăn, khó chịu và sốt. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ nhanh chóng đi vào máu để tạo ra một bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, sau đó sẽ là viêm phổi, suy hô hấp, suy thận, suy gan, hôn mê và cuối cùng là tử vong.
Sự ra đời của vaccine, cũng như việc cải thiện phương pháp chữa trị và điều kiện vệ sinh đã làm giảm đang kể tác động của sốt Rickettsia. Nhiều nước phát triển đã tuyên bố thanh toán xong căn bệnh này, tuy nhiên, những trận dịch đôi khi vẫn bùng phát ở một vài bộ phận của Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.
1. Bại liệt
Nhiều nhà khoa học cho rằng, bại liệt đã đi cùng với con người từ hàng thiên niên kỷ nay, để lại di chứng và gây tử vong cho vô số trường hợp bệnh nhi. Một báo cáo vào năm 1952 đã ghi nhận vào khoảng 58.000 ca bệnh trên chỉ riêng nước Mỹ. 1/3 trong số đó để lại di chứng bại liệt, và 3000 trong số đó đã tử vong.
Virus gây bệnh đã được xác định, và mục tiêu tấn công chủ yếu của chúng là hệ thống thần kinh của cơ thể. Virus lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ những nguồn nước hay thực phẩm không được kiểm soát tốt. Những triệu chứng khởi phát thường là sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và đau nhức cơ. Từ giai đoạn này, một tỷ lệ khoảng 1/200 sẽ chuyển thành liệt. Liệt thường xuất hiện ở 2 chi dưới, nhưng đôi khi, nó cũng có thể xảy ra ở các cơ hô hấp, từ đó gây nên bệnh cảnh suy hô hấp rất nặng và nguy cơ tử vong là cực kỳ cao.
Bại liệt thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến người lớn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm lần đầu bạn tiếp xúc với virus gây bệnh. Thời điểm này diễn ra càng sớm, hệ miễn dịch càng được chuẩn bị tốt hơn, do đó, nếu như bạn tiếp xúc với căn bệnh này càng muộn, nguy cơ tiến triển thành bại liệt, thậm chí tử vong càng cao.
Có một điều khá nghịch lý đối với căn bệnh này, đó là việc cải thiện điều kiện vệ sinh tuy làm giảm đáng kể sự lây lan của bệnh, nhưng đi cùng với đó lại là việc số lượng người phơi nhiễm bệnh ngày càng giảm, do đó những ca bệnh tiếp xúc với virus bại liệt ở lứa tuổi trưởng thành ngày càng tăng. Kết quả tất yếu là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những ca bệnh nặng nề, để lại di chứng bại liệt và tử vong.
Không có một phương thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh bại liệt, nhưng vaccine phòng bại liệt đã ra đời từ những năm 1950. Từ đó, nhiều nước phát triển như Mỹ và các quốc gia châu Âu đã tuyên bố thanh toán xong bại liệt. Việt Nam cũng đã công bố tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh này vào năm 2000. Hiện nay, bại liệt chỉ còn tồn tại ở một số quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi.

Tham khảo: Howstuffworks
Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Điểm Tin Game | Tầng 1, Tòa Nhà Cấp 4 | Thành Phố Vũng Tàu
Copyright © 2011. DIEMTINGAMES.TK - All Rights Reserved
Data Archive And Created by Vũng Tàu Archive
Khám phá và sử dụng by Relax Toy