Home » » Nhìn lại quá khứ huy hoàng trước khi bước qua cột mốc mới của Diablo

Nhìn lại quá khứ huy hoàng trước khi bước qua cột mốc mới của Diablo

Written By zeroinlove on Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012 | 23:42

Diablo III đã đến gần, và đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại những gì đã tạo nên ánh hào quang rực rỡ của "chúa quỷ".

Khi phiên bản Diablo đầu tiên được ra mắt vào năm 1996, hẳn chính cha đẻ của nó là studio Blizzard North cũng chưa thể ngờ rằng mình là người đi tiên phong cho một thể loại mới: những trò chơi nhập vai với hệ thống chiến đấu theo thời gian thực và một góc nhìn cố định từ trên cao. Với lối chơi cơ bản đơn giản và dễ hiểu, Diablo nhanh chóng trở thành một tựa game phổ biến và chiếm lĩnh thị trường action-RPG (game hành động-nhập vai) vốn đang khá phong phú với nhiều đối thủ cạnh tranh dựa trên Dungeon & Dragon thời bấy giờ.


Vào thời đó, trong khi các game RPG đều cố gắng vẽ ra những thế giới rộng lớn và hoành tráng, với những cốt truyện bao phủ cả một giai đoạn hàng ngàn năm và đầy nút thắt phức tạp, Diablo lại tạo nên dấu ấn của riêng mình bằng một bối cảnh có phần hẹp hơn – nhưng không kém phần hoành tráng. Bối cảnh u ám của cốt truyện và cách nhà phát triển sử dụng những màu sắc tối tăm phối cùng những bài nhạc nền ấn tượng chính là thứ đã tạo nên phong cách riêng của Diablo. Bạn sẽ chìm đắm vào thế giới này nhiều giờ liền khi gánh vác sứ mệnh tìm kiếm và tiêu diệt chúa quỷ Diablo, kẻ đã tạo nên cả một binh đoàn ác quỷ ẩn sâu bên dưới một tu viện giữa lòng Tristram và biến cuộc sống của tất cả các sinh linh trên mặt đất thành địa ngục.


Và tất nhiên, như mọi game nhập vai khác, bạn sẽ phải tiêu diệt vô số kẻ thù trên con đường tìm đến với Diablo. Nền tảng lối chơi của game cực kì đơn giản: chiến đấu, lên cấp, thay trang bị mới, và lặp lại quá trình này. Chỉ đôi lúc người chơi có được những giây phút nghỉ ngơi khi gặp các nhân vật máy (NPC) và giao tiếp với họ nhằm tìm kiếm những nhiệm vụ mới hoặc đơn thuần là tìm hiểu thêm về cốt truyện của game. Vào lúc này, chỉ có ba loại nhân vật cơ bản nhất có mặt trong trò chơi: Warrior cho những ai thích dọn dẹp mọi thứ bằng sức mạnh cơ bắp, Rogue có khả năng tiêu diệt kẻ thù từ xa và Sorcerer với những phép thuật hủy diệt.


Cũng chính từ phiên bản Diablo đầu tiên này, game thủ thế giới được biết thế nào là một trò chơi xứng đáng được chơi lại. Mỗi khu vực trong game, vị trí xuất hiện của lũ quái vật cũng như số lượng của chúng đều được tạo nên hoàn toàn ngẫu nhiên và không hề trùng lặp, nên bạn sẽ không bao giờ biết được những gì đang chờ đợi mình sau màn đêm bao phủ xung quanh. Tuy nhiên, mặc cho sự đa dạng và phong phú này, game thủ không cần đến bất cứ hướng dẫn nào để có thể chơi tốt Diablo: ấn chuột trái để tiêu diệt đối thủ - đó là tất cả những gì một game thủ Diablo cần nhớ.


Nhưng trái ngược với sự đơn giản của lối chơi là sự đa dạng đến kinh ngạc của những gì mà Blizzard North đã cho vào trò chơi. Bất kể bạn sử dụng nhân vật gì, nâng điểm ra sao và theo trường phái vũ khí nào, luôn có những con quái đủ khả năng khiến bạn phải nhìn thấy cảnh nhân vật của mình gục ngã trên mặt đất. Chúng trở nên đáng sợ hơn, mạnh mẽ và nguy hiểm hơn, cả về ngoại hình lẫn sức mạnh. Lũ Skeleton “giòn rụm” nhanh chóng được thay thế bằng quỷ đầu dê Satyr, xác sống Ghoul chậm chạp được đổi thành Sucubi nhanh nhẹn. Tất nhiên những đối thủ khó nhằn hơn cũng đồng nghĩa với những phần thưởng tuyệt vời hơn – bạn luôn muốn biết những con quái trước mặt đang ẩn giấu thứ gì trong hành trang của chúng, và âm thanh tuyệt vời khi một vật phẩm rơi ra đất luôn là điều mà game thủ Diablo muốn nghe nhất trong cả trò chơi. Sự đa dạng của các loại vật phẩm này là điều đã giúp Borderlands có được thành công rực rỡ, bất kể sự khác biệt về thể loại giữa hai tựa game này.


Và thế là sau khi được phát hành, Diablo gần như đã tạo nên một thể loại game mới mang tên chính nó. Vô số tựa game nhập vai khác phát hành sau Diablo được dán cho cái nhãn “bản sao của Diablo”, và “nhãn” này vẫn tồn tại cho đến ngày nay sau sự thành công của Diablo II phát hành năm 2001. Vậy còn những người kế nhiệm của nó thì sao, điều gì đã giúp chúng tiếp nối danh tiếng của người anh cả phát hành từ tận 15 năm trước?


Blizzard tiếp tục chứng tỏ mình là cái nôi của những tựa game để đời, khi Diablo II ra mắt và gặt hái những thành công rực rỡ hơn cả Diablo.


Sau thành công của Diablo, không có gì là lạ khi Blizzard tiếp tục phát triển phiên bản mới. Diablo II được phát hành vào năm 2000 và là sự mở rộng của tất cả những ý tưởng đã làm nên thành công của bản Diablo đầu tiên. Một thế giới rộng lớn hơn, các lớp nhân vật phong phú hơn, những kẻ thù mới toanh, các phương thức chiến đấu mới và một lượng trang bị khổng lồ chờ được khám phá, Diablo II nhanh chóng tiêu thụ được hàng triệu bản chỉ trong tháng đầu tiên phát hành. Đến khi Lord of Destruction – bản mở rộng lớn nhất của Diablo II – ra đời, thành công của Diablo II trở thành một biểu tượng mà bất kì trò chơi nào cũng mơ ước.


Với năm nhân vật mới, Diablo II đã đẩy sự đa dạng và phong phú trong lối chơi của mình lên một mức cao hơn hẳn. Mỗi nhân vật giờ đây có thể được hướng theo những con đường khác nhau, cho phép người chơi tự do tùy biến theo bất cứ hướng nào. Điều này đã khuấy động cộng đồng game thủ Diablo II, khi vô số cuộc tranh luận nổ ra trên diễn đàn của game, và biến việc xây dựng nhân vật trong Diablo II trở thành một niềm đam mê mới. Hàng triệu game thủ khắp thế giới cùng nhau tìm ra những phương pháp tốt nhất để biến nhân vật của mình thành cỗ máy chiến tranh hiệu quả nhất có thể. Đây chính là điều mà những game thủ Diablo cần, bởi sự đa dạng trong các kĩ năng và chỉ số cũng đồng nghĩa với việc họ dễ dàng phạm phải sai lầm trong việc nâng cấp nhân vật của mình.


Bên cạnh tính năng phát triển nhân vật phức tạp nhưng đầy hào hứng, lối chơi của Diablo II vẫn giữ vững những đặc điểm của phien bản đầu tiên: những trận đánh bất ngờ với hằng hà sa số quái vật đổ dồn về phía người chơi, những môi trường phong phú và không hề trùng lặp, các động tác chiến đấu mượt mà và kĩ năng đầy màu sắc “vương vãi” khắp chiến trường. Game thủ luôn luôn muốn chơi lại trò chơi thêm một lần nữa, để chinh phục những độ khó cao hơn, tìm kiếm những món trang bị tốt nhất cho nhân vật của mình hoặc thử sức với những công thức chế tạo “trời ơi đất hỡi” có được từ Horadric Cube. Diablo II còn có các đoạn phim cinematic được dựng sẵn với chất lượng hàng đầu vào thời đó cũng góp phần giúp game thủ hòa nhập hơn vào trò chơi, khi họ lần lượt khám phá ra điều gì đã xảy ra với Diablo, Baal và Mephisto, những hành động của Tổng lĩnh thiên thần Tyrael, vai trò của World Stone và các nhân vật khác.


Và cuối cùng, sau khi các chiến binh đã chán chê với việc khám phá vùng đất Sanctuary một mình, Battle.net và những trận chiến multiplayer của Diablo II vào cuộc. Game thủ có thể bỏ ra hàng năm trời để chinh chiến trong Diablo II một mình thì không có lý do gì họ lại bỏ qua việc chiến đấu bên cạnh những đồng đội mới. Các trận chiến PvP được Blizzard hỗ trợ nhiệt tình bằng cách liên tục tung ra những bản patch mới giúp chỉnh sửa mức độ cân bằng của các lớp nhân vật cũng như các kĩ năng có sẵn trong game, và đây chính là điều giữ chân những game thủ “pro” nhất lại với trò chơi thêm nhiều năm nữa.


Vậy thì, tại sao sau thành công rực rỡ của Diablo II, Blizzard lại mất đến 8 năm để tiết lộ thông tin đầu tiên về người kế thừa của nó? Đầu tiên, đó là vì sự đóng cửa của Blizzard North – cha đẻ của Diablo, khiến cho những đầu não của nó tạo nên Flagship Studio, rồi Runic Games và làm ra Torchlight, một sản phẩm mang đúng những yếu tố quen thuộc nhất của cả dòng game Diablo danh tiếng. World of Warcraft cũng có thể xem là một kẻ tội đồ đã khiến cho việc phát triển Diablo III bị liên tục trì hoãn trong khoảng thời gian này.


Nhưng bất kể những trở ngại đó, chúa quỷ cũng đã tìm được đường trở lại nhân gian khi Diablo III được Blizzard hé lộ vào năm 2008. Năm nhân vật xuất hiện trong phiên bản mới bao gồm Barbarian, Witch Doctor, Monk, Demon Hunter và Wizard, mỗi nhân vật được thiết kế hết sức khác biệt nhằm tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới trong lối chơi của game. Việc giao dịch bằng tiền thật cũng được Blizzard đưa vào trò chơi khi mở ra tính năng Nhà đấu giá, cho phép game thủ bán đi những trang bị quý hiếm mà mình không thể sử dụng cho người chơi khác và nhận được một lượng tiền thật (nhưng không thể chuyển đổi thành tiền mặt) vào tài khoản Battle.net của mình. Một độ khó mới mang tên Inferno cũng xuất hiện trong Diablo III, nhưng sẽ chỉ mở ra khi nào game thủ đã hoàn tất cả ba mức Normal, Nightmare và Hell, nhằm mang lại cho những game thủ hạng nặng những thử thách mà họ muốn. Chắc chắn rằng đây sẽ là bãi chiến trường cho những ai mong muốn có được những trang bị tốt nhất cho nhân vật của mình, hay cho những ai muốn chứng tỏ khả năng của mình trên thế giới Santuary.


Và bất kể Diablo III có đạt được những thành công như ông anh Diablo II đã có được trong quá khứ hay không, đây cũng là sự nối dài của một huyền thoại trong làng game thế giới. Chúng ta có thể thấy được Blizzard đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con cưng mới của mình, và mọi thứ chỉ còn tùy thuộc vào bạn – người sẽ ra phán quyết liệu Diablo III có phải là ông hoàng mới của dòng game nhập vai hay không.

Tham Khảo IGN
Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Điểm Tin Game | Tầng 1, Tòa Nhà Cấp 4 | Thành Phố Vũng Tàu
Copyright © 2011. DIEMTINGAMES.TK - All Rights Reserved
Data Archive And Created by Vũng Tàu Archive
Khám phá và sử dụng by Relax Toy